Khâm thiên giám

Phá quân tinh



TỔNG LUẬN

      Phá quân là sao thứ bảy của Bắc Đẩu, thuộc dương Thủy. Trong Đẩu Số, sao Phá quân là “tướng tiên phong”, cho nên chủ về “xung phong”, mà không chủ về “lui lại phòng thủ”. Phàm người có Phá quân thủ mệnh, chỉ có thể “công” mà không thể “thủ”, hơn nữa, sau khi “công” thành trì xong cũng sẽ bàn giao cho người khác cố thủ, bản thân lại phải đi xung phong ở trận chiến khác.

      Biểu hiện cụ thể của người có Phá quân thủ mệnh, đó là không lúc nào được yên thân, nói về góc độ công việc, ví như người chủ giao nhiệm vụ khó khăn cho anh ta, đợi giải quyết xong khó khăn, người chủ lại điều phái đi làm việc khác, cuộc đời dường như không bao giờ ngồi không mà hưởng, thậm chí còn không được hưởng thành quả do bản thân nỗ lực mà có.

      Khi luận đoán tình huống cát hung của Phá quân, cần phải xem xét Phá quân có tính “an định” hay không, và năng lực khai sáng của Phá quân là lớn hay là nhỏ. Điều đáng chú ý ở đây, đó là bản thân Phá quân có thể sáng lập được sự nghiệp hay không, hay chỉ hợp với tính “bận rộn vất vả vì người khác”.

      Phá quân rất ưa gặp Lộc tồn và Hóa Lộc, ưa nhất là bản thân Phá quân được Hóa Lộc, khi gặp được sao Lộc, chủ về khai sáng có thu hoạch, nếu không gặp được sao Lộc, cuộc đời sẽ chủ về “bận rộn vất vả vì người”, chỉ mất công vô ích, còn giá trị của bản thân được hưởng rất ít.

      Khi Phá quân Hóa Lộc, mệnh cách sẽ kiêm nhiệm nhiều nghề, nhiều việc, nhiều chức vụ, hoặc gánh vác chức trách một cách quá mức.

      Khi Phá quân Hóa Quyền, so với Phá quân Hóa Lộc, thì mức độ vất vả tăng hơn nhiều, nhưng thanh thế thêm phần hiển hách.

      Nếu Phá quân không gặp sao Lộc, lại không gặp Hóa Quyền, thì cần phải gặp Tả phụ Hữu bật, mới chủ về có trợ lực, giảm thiểu được vất vả và lo lắng.

      Nếu không gặp Cát hóa, lại không gặp các sao Phụ Tá cát, trái lại, gặp các sao Sát Kị cùng đến xâm phạm, thì cuộc đời mệnh tạo chỉ có thể làm công việc thuộc mẫu người chuyên phá hoại, mà thiếu tính khai sáng.
      Cổ nhân nói “Phá quân gặp Hỏa tinh Linh tinh, chủ về bôn ba vất vả, phạm pháp kiện tụng” (Phá quân Hỏa Linh, bôn ba lao lực, quan phi tranh môn), còn nói “Phá quân có Kình dương Đà la đồng cung, chủ về bị tàn tật” (Phá quân Dương Đà đồng cung, chủ hữu tàn tật), lại còn nói “Sao Hình và sao Kị đồng cung, chủ về bị tàn tật” (Hình Kị đồng cung, chủ hữu tàn tật), là nói lý lẽ này.
      Thâm chí ở cung Sự nghiệp cũng không nên có kết cấu như vậy. Cổ nhân nói “Phá quân gặp Kình dương Đà la ở cung Quan lộc, chủ về đi xứ khác kiếm ăn” (Phá quân Dương Đà quan lộc vị, đáo xứ cầu khất).
      Trong số các Cát tinh, Phá quân không ưa Văn xương, Văn khúc, vì khí chất của chúng khác nhau. Cổ nhân nói “Phá quân có Văn xương Văn khúc đồng cung, chủ về một đời là bần sĩ” (Phá quân Xương Khúc đồng cung, nhất sinh bần sĩ). Chỉ khi Phá quân độc tọa ở Dần, có Cát tinh, mới ưa Văn xương, Văn khúc, vì cổ nhân nói “Phá quân ở Dần có Văn xương Văn khúc đồng cung, chủ về quý” (Phá quân Xương Khúc đồng cung vu dần chủ quý).
      Liên quan đến Thiên mã, có một số tổ hợp chủ về không ổn định. Bởi lực phá hoại của Phá quân là do khí chất không ổn định, gặp thêm Thiên mã ắt ý chí bất định, rời xa người thân, lưu lạc phóng đãng, không làm nghề chính đáng. Nữ mệnh Phá quân nếu gặp thêm đào hoa, càng chủ về ý chí bạc nhược, thấy mới là thay đổi. Khẩu quyết của phái Trung Châu là “Phá quân không có cát hóa, Lộc tồn và Thiên mã hội hợp với Sát tinh, nam nữ mệnh đều chủ về phóng đãng. Nữ mệnh đẹp thì cũng như Hồng Phất” (Phá quân vô cát hóa, Lộc Mã hội sát, nam nữ lãng đãng. Nữ mệnh giai giả diệc như Hồng Phát), theo sách sử, Hồng Phất là tỳ của Dương Nghiệp, người đời Đường, đã lén bỏ theo Lý Tịnh.
      Sát Phá Tham đều chủ về biến hóa thay đổi, nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau.
      Biến hóa thay đổi của Tham lang thiên về nhu hòa, có ý vị tư lợi, phấn son, trang điểm, do đó chủ về ngầm thay đổi, không có hành vi bộc lộ kinh thiên động địa, thậm chí cũng có ý vị tu bổ, bảo trì, sửa chữa.
      Biến hóa thay đổi của Thất sát có thể đến đột ngột, khiến người ta không liệu tính được, hơn nữa, sự biến động thay đổi của Thất sát chưa chắc có liên quan đến chuyện cũ, nghề cũ, có thể là một hành động hoàn toàn mới, như đồi việc làm, đổi nghề.
      Biến hóa thay đổi của Phá quân, thì phải “từ chuyện cũ mà sáng lập ra cái mới”, từ việc nhỏ đến việc lớn, bất kể cải biến ra thứ to tát gì, cũng đều có liên quan đến chuyện cũ. Do Phá quân có ý vị “phá hoại trước rồi mới kiến thiết sau”, do đó nguyên nhân sẽ vì “chuyện cũ” mà phát sinh khó khăn. Sau khi giải quyết xong những khó khăn này lại khai sáng cục diện mới. Người có Phá quân thủ mệnh đặc biệt vất vả là vì lý do này.
      Sau khi Thất sát và Tham lang biến hóa thay đổi, có thể an hưởng thành quả của mình, còn Phá quân thì không, lại chủ về “công” mà không chủ về “thủ”, nếu Phá quân ở tình cảnh bị buộc phải “thủ”, trái lại, sẽ sầu khổ, nếu ở cung Phúc đức thì càng như vậy.
      Phá quân chỉ có một tổ hợp tinh hệ cấu tạo, vừa có thể “công” vừa có thể “thủ”, gọi là cách “Anh tinh nhập miếu”.
      Kết cấu của cách này, là khi Phá quân độc tọa ở Tý hoặc ở Ngọ, cung đối diện là hệ “Liêm trinh Thiên tướng”, có Phá quân của bản cung Hóa Quyền, còn Liêm trinh ở cung đối diện Hóa Lộc đến chiếu, lại có các sao Phụ Tá đến hội hợp, không bị các sao Sát Kị hội chiếu. Đây là thượng cách của Phá quân, cổ nhân nói “Anh tinh nhập miếu, địa vị đến bậc tam công” (Anh tinh nhập miếu, vị chí tam công). Người sinh năm Bính, ngại vì Phá quân không có sao Lộc, hơn nữa còn có Liêm trinh Hóa Kị đối củng, chủ về cuộc đời nhiều lo toan, họa hoạn, thị phi.
      Phá quân có một hung cách, đó là khi Phá quân thủ mệnh, chỉ có một mình Văn khúc Hóa Kị đồng độ, không thấy Văn xương đến hội hợp, hoặc tuy có gặp Văn xương, nhưng đồng thời còn gặp các sao Sát Kị Hình, thì được gọi là “Phá quân ám tinh”, Văn khúc Hóa Kị trở thành “ám tinh” đối với Phá quân, ở đây không chỉ Cự môn.
      Cổ nhân nói “Phá quân và ám tinh cùng ở một chỗ trong nước, làm mộ phần” (Phá quân ám diệu cộng hương thủy trung, tác chủng), khiến cho người đời sau hiểu lầm là nói về tai nạn sông nước, thực ra không phải, mà ý cổ nhân nói “Phá quân gặp ám tinh ở ba cung Hợi Tý Sửu, giống như nhập vào mộ phần, chủ về khốn khó đình trệ, chứ chẳng phải nói tai nạn bất ngờ”, ba cung Hợi Tý Sửu thuộc chính phương của thủy, cho nên nói là “trong nước” (thủy trung) mà thôi. Còn việc hiểu lầm Văn khúc là “ám tinh” thành Cự môn “ám tinh”, đã xảy ra nhiều tranh cãi. Người biết thì xem đây là điều cực kỳ bí mật, không chịu nói cho ai biết, khiến cho người nghiên cứu Đẩu Số gặp nhiều khó khăn.
      Phá quân ở trong 12 cung luôn luôn đối nhau với Thiên tướng, ảnh hưởng của Phá quân tới Thiên tướng rất quan trọng, đối với Thiên tướng thuộc vào cách nào, thuộc về cách “Tài ấm giáp ấn” hay thuộc về cách “Hình kị giáp ấn”.
      Phá quân độc tọa ở Tý hoặc ở Ngọ, cung đối diện là hệ “Liêm trinh Thiên tướng” đồng độ; ở Mão hoặc ở Dậu có hệ “Liêm trinh Phá quân” đồng độ. Cho nên bốn cung Tý Ngọ Mão Dậu là tổ hợp “Liêm trinh – Phá quân – Thiên tướng”
      Phá quân độc tọa ở Thìn hoặc ở Tuất, cung đối diện là hệ “Tử vi Thiên tướng” đồng độ; ở Sửu hoặc ở Mùi là hệ “Tử vi Phá quân” đồng độ. Cho nên bốn cung Thìn Tuất Sửu Mùi là tổ hợp “Tử vi – Phá quân – Thiên tướng”.
      Phá quân độc tọa ở Dần hoặc ở Thân, cung đối diện là hệ “Vũ khúc Thiên tướng” đồng độ; ở Tị hoặc ở Hợi là hệ “Vũ khúc Phá quân” đồng độ. Cho nên bốn cung Dần Thân Tị Hợi là tổ hợp “Vũ khúc – Phá quân – Thiên tướng”.
      Cấu tạo tinh hệ
      Phá quân quan hệ với các tinh hệ, bố trí của Phá quân trong tinh bàn có sáu loại như sau:
-      Ở Tý hoặc ở Ngọ, Phá quân độc tọa, cung đối diện là hệ “Liêm trinh Thiên tướng” đồng độ.
-      Ở Sửu hoặc ở Mùi, Phá quân đồng độ với Tử vi.
-      Ở Dần hoặc ở Thân, Phá quân độc tọa, cung đối diện là hệ “Vũ khúc Thiên tướng” đồng độ.
-      Ở Mão hoặc ở Dậu, Phá quân đồng độ với Liêm trinh.
-      Ở Thìn hoặc ở Tuất, Phá quân độc tọa, cung đối với là hệ “Tử vi Thiên tướng” đồng độ.
-      Ở Tị hoặc ở Hợi, Phá quân đồng độ với Vũ khúc.
      Phá quân cũng như Thất sát và Tham lang bài bố tại 12 cung trong tinh bàn, khi nhập các cung thuộc Dương (Tý Dần Thìn Ngọ Thân Tuất) thì Phá quân độc tọa, khi nhập các cung thuộc Âm (Sửu Mão Tị Mùi Dậu Hợi) thì Phá quân đồng độ với một tinh diệu khác. Đặc tính quan trọng này, là cơ sở để luận giải sự phối hợp giữa “mệnh nạp âm”, nguyên tắc “hợp Cục nhập Cách” và “tính lý” của các tổ hợp tinh hệ trong mệnh bàn.
      Từ các tổ hợp trên có thể biết, các sao có quan hệ mật thiết nhất đối với Phá quân, ngoài Thất sát và Tham lang tương hội ở tam phương, còn có bốn sao Tử vi, Vũ khúc, Liêm trinh, Thiên Tướng.
      Thông thường, Phá quân rất ưa gặp Tử vi, bởi vì Tử vi có thể khiến tính “phá hoại” của Phá quân, khi phá hoại thì đúng mục đích, đúng nơi đúng chỗ, khẳng định giá trị và hiệu quả, hơn nữa, còn khiến cho Phá quân giảm bớt lực phá hoại, hay bộc phát phá hoại một cách vô cớ. Trong tình huống này, Phá quân như con ngựa bị cương tỏa, bị kiểm soát, khiến cho cấu tạo của tinh hệ tràn đầy mâu thuẫn. Cho nên, hễ Phá quân thủ mệnh ở Thìn Tuất Sửu Mùi, đều chủ về tinh thần của mệnh tạo bất an, nảy sinh tâm lý khó chịu, thường chủ động tìm cách bộc lộ phát tiết, để giải tỏa sự mất quân bình về tâm lý. Nếu Phá quân gặp các sao Sát Kị, thì phần nhiều cảnh ngộ đời người sẽ trắc trở, gập gềnh, bất đắc chí, tâm lý mất quân bình càng nặng hơn. Nói “tính phản nghịch” của Phá quân, tức là nói đến kết quả của sự ảnh hưởng kềm chế lẫn nhau giữa hai sao Tử vi và Phá quân khi đồng độ. Tuy nhiên “tính phản nghịch” này sẽ không biểu hiện một cách tùy tiện.
      Hệ “Tử vi Phá quân” thêm vào tính chất của sao Thiên tướng, dễ phát triển thành mẫu người có hệ thần kinh kích thích đột biến, trừ khi cung mệnh gặp sao Lộc, mà còn phải tụ tập đủ các Cát tinh, khiến cảnh ngộ đời người thuận lợi toại ý. Nếu không mệnh cách loại này đột nhiên phản ứng dữ dội, mà bản thân họ cũng không thể khống chế kiểm soát được tâm trạng này.
      Phá quân và Liêm trinh đồng độ hội hợp trong tình hình tốt, có thể cương nhu chế hóa lẫn nhau. Nếu hội hợp trong tình hình xấu, thì biến thành xung đột thị phi, mệnh cách sẽ không từ thủ đoạn nào để giải quyết mâu thuẫn.
      Vũ khúc có tính chất “cô độc và hình khắc”, khi hội hợp đồng độ cùng với Phá quân, khiến mệnh cách có tính lạnh lùng, nghiêm khắc một cách quá đáng, dễ phát triển thành tự tư tự lợi, chỉ nghĩ đến bản thân. Muốn thay đổi tính cách này, cần phải có nỗ lực hậu thiên rất lớn. Kết cấu tinh hệ “Vũ khúc Phá quân”, rất kị gặp các sao khoa cử công danh, bởi vì, có thể phát triển thành tính nết kỳ quái lạnh lùng, trong khi nội tâm lại rất ưa có danh tiếng. Trời rét thấu xương mà không chịu mặc áo ấm, là mẫu người có kết cấu tinh hệ kiểu này.
      Phá quân thủ mệnh không ưa an định
      Phá quân có lực phá hoại khá nặng, cổ nhân cho rằng nó hóa khí là “hao. Ý nghĩa của “hao” là "tiêu ma", vì lực phá hoại của Phá quân sẽ không đến một cách đột nhiên, mà thường có mang tính chất “tiêu ma”, khiến cho sự tình đang từ tiệm biến chuyển thành đột biến. Hành động của con người ở hậu thiên có thể bổ cứu cho sự thiếu xót của tiên thiên, Phá quân là một ví dụ, bởi vì trong quá trình chuyển biến, mệnh tạo có rất nhiều cơ hội để xoay chuyển tình thế của mệnh cách cũng như của mệnh vận. Khi luận đoán cần chú ý.
      Cổ nhân ưa an định, mà không ưa biến động, thay đổi, do vậy không đề cao tính cách của Phá quân. Đối với nữ giới có Phá quân thủ mệnh, nhất là người dung nhan xinh đẹp, cổ nhân nói “Nếu nữ mệnh gặp Phá quân, chủ về không có bà mai mà tự gả”, “Sao Phá quân tính bất minh”, chú thích viết “Đây là sao cô độc dâm dật, không thích hợp với nữ mệnh; thêm tứ sát, ắt sẽ vì gian dâm mà hại chồng, vì ghen ghét mà hại con, không phải vậy thì là xương kỹ, tỳ thiếp thấp hèn”. Những nhận xét này, có thể đúng phần nào với xã hội cổ đại, bởi vì phụ nữ thời cổ đại không có sự nghiệp riêng. Người có Phá quân thủ mệnh, cần phải tìm kích thích, để cho tâm lý được quân bình, cho nên dễ dẫn tới gia đình bất hòa, thậm chí luân thường đảo lộn. Nhưng, xã hội hiện đại thì khác, phàm là nữ mệnh có Phá quân tọa mệnh, nhất định không chịu làm bà nội chợ, bởi vì có thể tìm được kích thích từ sự nghiệp, sức mạnh “tiêu ma” của Phá quân cũng từ gia đình dời vào trong cương vị công tác.
      Về đại thể, người có Phá quân thủ mệnh, nhất định không chịu sống nhàn hạ, dù sự nghiệp đã thành cục diện ổn định, họ cũng phải tìm cho được chuyện làm để khiến người ta phải kinh hãi. Nếu sức mạnh bảo thủ quá lớn, thì họ dễ trở thành người làm mưa làm gió. Do đó muốn đánh giá Phá quân, cần phải tính đến đặc tính này. Giả dụ có thể đặt người này vào một cương vị độc lập sáng tạo, họ có thể phát huy được sở trường, khiến sự nghiệp có thể thành tựu một cách đột phá, sáng tạo ra cục diện mới. Nếu có ý định không thay đổi, thì không thích hợp với người có Phá quân thủ mệnh. Đây chính là điểm mà cổ nhân đã lấy làm căn cứ, để bình luận về nữ mệnh Phá quân. Vì vậy, ở thời hiện đại, có một số người Phá quân thủ mệnh cực kỳ oan uổng, họ bị xem là “bọn gây ra thị phi”. Thực ra, có thể vì thượng cấp của họ không biết dùng sở trường của họ.
      Phân biệt các “động tinh”
      Trong Đẩu Số, gồm mấy sao có tính chất “động” cần phân biệt một cách tinh tế, như: Thiên cơ, Thất sát, Phá quân, Tham lang, Thiên mã.
      Tính “động” của Thiên cơ là “động” của “động não”, như thay đổi kế hoạch, mưu tính,…
      Tính “động” của Thất sát, Phá quân, Tham lang, về đại thể, là chỉ một giai đoạn biến động thay đổi về sự nghiệp hoặc cuộc sống, như sự nghiệp căng thẳng, nhân sinh quan thay đổi,…
      Tính “động” của Thiên mã, là chỉ “động” của thân thể, như đến nơi khác ở, hay đi tiếp xúc công việc, hoặc bôn ba vì sinh kế,…
      Đây là đại cương phân biệt các “động tinh”, nhưng có lúc về chi tiết rất dễ lẫn lộn. Ví dụ như, nhìn vào mệnh bàn, phát hiện ra mệnh tạo có sự thay đổi về công việc, đây là vì lưu niên gặp Thiên cơ, nhưng cũng có người là vì gặp phải Thất sát, Phá quân, Tham lang, làm sao phân biệt ? Về đại thể, vì tính “động” của Thiên cơ mà xảy ra thay đổi, là thuộc về tính hế hoạch, còn vì Thất sát, Phá quân, Tham lang mà xảy ra thay đổi, thì ít nhiều cũng mang ý vị khai sáng.
      Ví dụ như, có người bôn ba, bận rộn là vì ảnh hưởng của Thiên cơ, nhưng có người lại vì cung Mệnh hoặc cung Phúc đức gặp Thiên mã. Làm sao phân biệt các trường hợp này ? Về đại thể, bôn ba của Thiên cơ vẫn là vì kế hoạch; còn bôn ba của Thiên mã là do nghề nghiệp phải như vậy. Ví dụ như một thương nhân, vì phải bàn bạc kế hoạch đầu tư, nên phải đi máy bay thường xuyên giống như đi taxi, đây là “động” của Thiên cơ, nhưng một nữ tiếp viên hàng không, cũng phải đi máy bay thường xuyên giống như đi taxi, thì lại thuộc tính “động” của Thiên mã, cũng chủ về “động”, là “động” do nghề nghiệp phải như vậy.
      Ba sao Thất sát, Phá quân, Tham lang ở trong mệnh bàn, là then chốt của sự biến động. Ở xã hội cổ đại, người xưa quan niệm nên “tĩnh” không nên “động”, mọi việc đều chú trọng phòng thủ, đi buôn xa không bằng mở hiệu buôn bán tại chỗ, người có học thì sợ sự nghiệp có sự thay đổi, thay đổi thì danh tiếng sẽ không như ý, cho nên ba sao Sát Phá Tham bị xem là “Trúc la tam hạn”.
      Nhìn từ quan điểm của xã hội hiện đại, sự nghiệp thay đổi chẳng có gì phải đáng sợ, trái lại, đây còn có thể là cơ hội của đời người, do đó cách đánh giá “Sát Phá Tham” cũng sẽ phải khác với thời cổ đại. Tuy về đại thể, mỗi sao đều có tính chất biến động thay đổi trong cuộc đời hoặc sự nghiệp, nhưng mỗi sao vẫn có đặc tính khác nhau.
      Tính cách của Thất sát chủ về “độc lai độc vãng”, có sức khai sáng mạnh, mà còn “phá hoại trước rồi kiến thiết sau”, nhưng thiếu thận trọng. Cho nên, cổ nhân đánh giá không cao người có Thất sát thủ mệnh, cho rằng khó được vinh hiển. Xã hội ngày nay khác với xã hội cổ đại, người có tính cách mạo hiểm, trái lại, sẽ dễ khai sáng sự nghiệp, hơn nữa, cơ hội khai sáng cũng nhiều hơn. Tại sao lại khó vinh hiển ?
      Phá quân giống Thất sát, cũng có đặc tính phá hoại, chủ về biến động cực kỳ lớn, có thể ảnh hưởng cả cuộc đời, nhưng khi phân tích tỉ mỉ thì vẫn có sự phân biệt. Phá quân thích hợp ở vai trò khai sáng, mà bất lợi ở vai trò phòng thủ,  cho nên, sau khi khai sáng sự nghiệp được một thời gian vài ba năm thì bắt đầu chán, mất hứng thú; còn người Thất sát thủ mệnh thì trái lại, vẫn có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp. Thất sát tuy có tính “độc lai độc vãng”, nhưng lực phá hoại lại nhẹ hơn Phá quân. Vì vậy mà Cổ thư đánh giá Phá quân thấp hơn Thất sát, nói Phá quân là “phóng đãng”.
      Tham lang cũng chủ về biến động thay đổi, nhưng nhỏ mà còn ổn trọng. Vì vậy thiếu tính khai sáng, tính chất biến động thay đổi lại thiên nặng về quan hệ xã giao. Nên người có Tham lang thủ mệnh chỉ tiếp cận một số người trong nhất thời, qua một thời gian là bắt đầu xa lánh. Nói tính cách này bất lợi đối với sự nghiệp, nhưng ngày nay, tính cách này của Tham lang cần phải có cách nhìn khác, để phù hợp với hoàn cảnh xã hội khi giao thời.
      Hiểu rõ những đặc tính trên, khi phán đoán vận trình sẽ mang lại tính chính xác và độ tin cậy cao hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét